Thư viện viên hạng 3 có cần phải có chứng chỉ hạng 3 không?
Thư viện viên hạng III có bắt buộc phải có chứng chỉ hạng III không?
Theo Khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV quy định điều kiện thăng hạng viên chức thư viện hạng IV như sau:
Viên chức thăng hạng từ chức danh thư viện viên hạng IV lên chức danh thư viện viên hạng III phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng IV, như sau:
- Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm;
- Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng IV tối thiểu đủ 03 (ba) năm.
Dẫn chiếu Khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV , cụ thể như sau:
* Nhiệm vụ:
- Thực hiện một số quy trình trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện, cụ thể: thu thập, kiểm kê, thanh lọc tài liệu; xử lý hình thức, nội dung tài liệu có nội dung về những kiến thức cơ bản, phổ cập; quản lý hệ thống tra cứu mục lục truyền thống; tổ chức và bảo quản tài liệu; phục vụ tài liệu gốc; tra cứu thông tin, tìm tài liệu theo yêu cầu của người sử dụng; hướng dẫn sử dụng, khai thác các sản phẩm, dịch vụ thư viện; biên soạn ấn phẩm thông tin - thư viện ở hình thức thư mục để giới thiệu, thông báo tài liệu mới bổ sung, tài liệu theo chuyên đề; tập hợp các bài trích báo, tạp chí; trưng bày, triển lãm tài liệu; lấy ý kiến của công chúng về hoạt động, dịch vụ của thư viện; thống kê thư viện;
- Tham gia xây dựng kế hoạch công tác hàng năm của thư viện; xây dựng kế hoạch hàng năm về nhiệm vụ chuyên môn đang đảm nhiệm và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
- Tham gia các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh trong lĩnh vực thư viện;
- Tham gia tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho thư viện viên hạng IV.
*Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
- Tốt nghiệp đại học về chuyên ngành thư viện hoặc chuyên ngành khác có liên quan. Nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
- Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
*Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ:
- Nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành về công tác thư viện;
- Nắm vững các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và lĩnh vực chuyên môn được phân công;
- Biết được các ứng dụng của công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện và các kỹ năng tin học khác trong hoạt động chuyên môn được phân công.
Như vậy, khi thăng hạng viên chức thư viện hạng IV lên hạng III không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng thăng hạng III.
Phụ cấp độc hại đối với nhân viên thư viện trường học
Bà Trần Thu Thủy hiện là nhân viên thư viện của trường tiểu học. Qua tham khảo Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ; Công văn số 3426/BNV–TL ngày 23/11/2005 của Bộ Nội vụ; Hướng dẫn số 3915/HD-BVHTT ngày 28/9/2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin; Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Thủy cho rằng, trường hợp bà làm công tác thư viện ở trường học được hưởng ở phụ cấp nguy hiểm độc hại ở mức 2, hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu và được hưởng mức 2 là 15.000 đồng/ngày đối với chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.
Bà Thủy hỏi, bà hiểu như vậy có đúng không? Nếu đúng thì bà cần thực hiện thủ tục gì để được hưởng chế độ?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Theo Điều 9 của Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 2/1/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân viên làm việc trong thư viện trường học đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT) được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hoá - Thông tin quy định.
Các chế độ phụ cấp ngành Văn hoá - Thông tin quy định tại Mục II, Mục III và Mục IV Thông tư số 26/2006/TT-BVHTTngày 21/2/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hoá - thông tin.
Theo đó, mức 2 (Hệ số 0,2 so với lương tối thiểu) áp dụng đối với những người trực tiếp làm các công việc sau: Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng.
Cách tính và chi trả phụ cấp Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 giờ hàng ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm như sau:
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ tài chính do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT được tính hưởng kể từ ngày 1/10/2004 và căn cứ theo đúng mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) trong từng thời kỳ.